THAY LỜI TỰA
Nguyên văn vấn thư nêu thắc mắc về việc hình thành quyển bửu kinh “Thượng Đế Giảng Chân Lý” và giáo huấn đáp lời của Kim Thân Cha.
Cali…1985
Kính thưa Cha Trước tiên con kính xin đảnh lễ Cha và kính chúc Cha những điều tốt lành nhất cho năm mới vừa đến. Bao năm qua, lạc lõng nơi xứ người, lòng con luôn nhớ quê hương vẫn còn chìm đắm trong tối tăm đau khổ.
Thưa Cha, ngoài giờ làm việc, lúc rảnh rỗi con vẫn thích nghiên cứu về triết học, khoa học, giáo lý các tôn giáo. Thú thật, tuy con không chống đối bất cứ tôn giáo nào, nhưng vẫn nhận thấy trong tôn giáo đầy dẫy điều mê tín, nhất là những tôn giáo buộc người ta phải tin nhiều điều mà khoa học ngày nay không chấp nhận được.
Cả khoa học cũng còn nhiều điều lầm lạc, vẫn còn đang tìm dò sự thật như người mù đi trong đêm tối. Trong nỗi thất vọng thường trực với bao điều kiếm tìm không thỏa mãn trong cuộc sống, bỗng nhiên hội ngộ một duyên may chưa từng có: Tình cờ con được đọc quyển “Thượng Đế Giảng Chơn Lý”. Thật không lời nào diễn tả được cảm xúc dâng trào! ...
Tâm hồn con bừng sáng lâng lâng như được tưới cam lồ…
Thực ra, cảm giác nầy không phải riêng con. Nhiều người mà con quen biết, sau khi đọc quyển kinh đều có cảm xúc như vậy. Con còn được biết, một triết gia nổi tiếng trong cộng đồng người Việt mà nhiều tác phẩm triết học của ông con rất ngưỡng mộ (Linh mục giáo sư K.Đ.), nghe nói rằng, sau khi nghiền ngẫm thâm sâu quyển bửu kinh nầy, ông đã không tiếc lời khen ngợi và không ngần ngại tôn vinh Kim Thân Cha như một vị hiền triết thượng thặng tầm cỡ thế giới.
Kính thưa Cha, giá trị vĩ đại của quyển bửu kinh khiến lòng con bồi hồi xúc động, lòng khao khát muốn biết thêm chi tiết xung quanh quyển chơn kinh nhưng chẳng có tư liệu gì rõ rệt ngoài mấy chữ “những góp nhặt rải rác ở những buổi thuyết giảng trong hai năm”… ở phần lời tựa của quyển kinh. Vậy kính xin Cha, nếu có thể, ban ơn giảng dạy chi tiết hơn về việc hình thành quyển bửu kinh mà giá trị minh triết còn cho muôn đời sau.
Trân trọng kính bái T.M.
ĐÁP: À, các con muốn biết chi tiết hơn về việc hình thành quyển kinh.
Thật sự, tài liệu trong quyển kinh nầy là những góp nhặt rải rác qua những băng từ hiếm hoi, ghi lại được một số buổi thuyết giảng mà chắc chắn việc thu băng vào thời điểm đó không thể tổ chức chu đáo được. Vào đầu năm 1977, Cha xuất hiện trong phái Vô Vi trong thế ẩn dạng, chỉ Lương Sĩ Hằng và đôi khi, một số ít người có căn duyên được gặp và nghe Cha thuyết giảng.
Thật đáng tiếc, rất nhiều siêu lý trong giai đoạn nầy được diễn giảng không có thu băng.
Sang năm 1978, Cha chuyển đến Tân Dân Đàn làm việc với phái Minh Đức Nho Giáo. Nhờ vậy các con có tư liệu một số buổi đàn cơ có Kim Thân Cha dự chứng đàn. Đầu năm 1979, Cha quyết định đi quy ẩn. Được tin nầy, các con phái Minh Đức Nho Giáo, các con phái Vô Vi làm lễ tiễn Cha đi, rồi thì đạo tâm các tỉnh các nơi hay tin kéo đến Tân Dân Đàn viếng Cha rất đông.
Trước tình huống đặc biệt nầy, Cha cũng mở cửa hội ngộ cùng con cái trước lúc lên đường, cho nên mỗi ngày, hằng vài trăm con gồm nhiều màu sắc, nào phái Nho Giáo, phái Vô Vi, nào Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Khai Huỳnh Đạo vv…..
Tự sắp xếp theo từng nhóm, nối đuôi nhau từ 8g sáng đến 9g tối để viếng thăm tiễn biệt, nhân tiện nêu mọi thắc mắc về chơn lý xin Cha giảng giải.
Sự kiện đặc biệt nầy kéo dài từ ngoài tết cho đến đầu tháng hai âm lịch năm Kỷ Mùi 1979 là lúc Cha rời Tân Dân Đàn Khổng Thánh Miếu. Khoảng trung tuần tháng hai âm lịch, một nhóm đạo hữu thuộc phái Thiên Khai Huỳnh Đạo, Long Hoa Hải Hội Đàn, được thiên ý chuyển đại duyên lo công quả rước Cha ẩn cư.
Thế rồi, thời gian ngắn sau đó, Cha có nhận từ Thiền Đường Hồ Văn Em xin Cha duyệt 1 tập tư liệu chép lại từ băng ghi âm những câu vấn đạo và những lời giải đáp chơn lý của Cha. Quả thật, khi xem qua, Cha thấy quá nhiều thiếu sót so với những gì Cha giảng dạy trước đó, có thể vì tình hình cấp bách không tiện tổ chức chu đáo việc thu băng, hoặc băng từ bị phân tán thất lạc nhiều nơi không rõ.
Tình thế nầy, thôi thì, để có kinh văn giảng giải chơn lý, Cha đã duyệt lại toàn bộ tư liệu, bổ túc thêm, sắp xếp những lời rao giảng cho mạch lạc, sáng sủa, cấu thành 63 câu vấn đáp để các con dễ tham khảo tu học.
Sau đó, Hoàng Bình thuộc nhóm Thiên Khai Huỳnh Đạo xin được công quả đánh máy, và rồi, khoảng trung tuần tháng 4 âm lịch tức tháng 5 dương lịch năm 1979, quyển kinh văn “Thượng Đế Giảng Chơn Lý” với 63 câu vấn đáp, phục vụ con người tu học tiến hóa đã ra đời.
Tiếp đến, thiền đường Hồ Văn Em được nhận quyển kinh để in ra phổ biến. Mới vừa qua, Cha có nhận quyển kinh ấn hành ở hải ngoại. Ấn bản nầy có thêm phần phụ l ục đăng bổ sung những bài giảng từ năm 1977 đến 1984, trong đó có bài giảng cho tín đồ Cao Đài, tín đồ Thiên Chúa Giáo, những bài nói chuyện với một nhóm nhỏ đạo hữu thuộc phái Thiên Khai Huỳnh Đạo nơi Cha ẩn ngự.
Nhóm nầy thuộc Long Hoa Hải Hội Đàn nhưng vì không tiện duyên nên Cha không trực tiếp làm việc với toàn nhóm, cũng không đến trụ sở hành lễ tham dự chứng đàn, vậy để giải thích thắc mắc tại sao không có băng từ hay tài liệu dự chứng đàn ở Long Hoa Hải Hội, không có băng từ hay tài liệu sinh hoạt với hội thánh tuyển do Đàn Long Hoa Hải Hội sắc phong, và hội thánh tuyển nầy cùng với đàn cơ Long Hoa Hải Hội đã được cha khuyên cũng như chuyển ý lực cho giải tán vào năm 1983 khi nội tình cơ bút có những dấu hiệu tiêu cực, huyễn hoặc xuất hiện, và có phảng phất ý đồ phàm tâm đồng tử kéo về chuyện động loạn thời cuộc hơn phần minh triết tu học.
Giờ đây, nhìn lại chặng đường đã qua, từ 1976 đến năm nay tức 1985, thật biết bao chông gai, biết bao gian khổ mà Cha và chúng con cùng lướt dặm!
Phải thấy rằng, giữa bao nguy nan chết chóc, bao khốn khó dập dồn, tình yêu thương linh diệu bao la của Cha Trời vẫn cố xuyên qua tầng khí địa ngục trần gian âm u, dày đặc nghiệp quả dục vọng sát phạt, để can thiệp cứu khổ con người.
Dẫu biết rằng con cái nhớ mong khao khát, chỉ hiếm hoi được hội ngộ phần hữu thể của Cha vào những dịp lễ Tết mấy năm qua, và rồi, dù trong cơ quy ẩn với vô vàn thử thách khổ hành, chịu đựng gánh vác những đòn khốc liệt của kỳ ba nơi Phật địa, thật lành thay, nguồn tuệ giác của càn khôn vũ trụ cùng với Kim Thân Cha vẫn cố gắng rải pháp khai minh chơn lý siêu diệu mà quyển kinh nầy đã quá đủ cho phần lương thực thiêng liêng, cho hành trang tu tập của bao kiếp làm người!...
Lành thay! Không được diện kiến Kim Thân Cha mà các con vẫn hưởng được nguồn minh triết của đất trời âm thầm nhắc nhở, dìu dắt, dẫn tiến tâm linh trong cơ loạn thế!
Âu đấy cũng là một phong cách làm việc đầy hảo ý của Kim Thân Cha, phong cách nầy tích cực, vừa hiệu quả minh triết, vừa tránh cảnh con người chạy theo hình tướng, chạy theo thanh quang điển lành với tinh thần cuồng tôn mê tín, vọng cầu ỷ lại để rồi đi lạc nẻo.
Sắp tới đây sẽ biến động dập dồn, khổ nạn vì thiên tai địa ách do môi sinh bị hủy phá, khổ nạn vì đạo đức suy đồi, vì con người dùng đủ thứ chiêu bài để sát phạt và tàn hại lẫn nhau trên toàn thế giới, nhất là nơi Phật địa. Đạo đời đều phải trải qua những đòn khảo thí buổi hạ ngươn mạt kiếp theo nghiệp lực nhân quả, để con người được học hỏi và sàng lọc trình độ tiến hóa.
Sẽ có nhiều chuyển biến đặc biệt dị thường: Thiên cơ vào giờ chót đột biến cải sửa thay đổi rất nhiều theo sự chuyển biến của dịch lý, sẽ có ngày giờ triển hạn cho các con dọn mình như Cha đã dự báo trong bài nói chuyện với một nhóm Thiên Khai Huỳnh Đạo dịp đầu xuân Nhâm Tuất (1982).
Dù bao biến động loạn thế, nhưng trời đất vẫn âm thầm tạo điều kiện cho chúng con tu học, triển hạn ngày giờ để các con dọn mình tu học cho kịp sang thánh đức.
Vậy chúng con hãy tận dụng cơ hội, tích cực tu sửa thân tâm, nhất là những con tu thiền, càng phải nhớ luôn quay vào trong kiểm soát mình, dụng pháp trụ điển để tránh đảo điên thế sự, tránh loạn tâm vì những trò tung tin xuyên tạc, vì những nọc độc gieo rắc hoang mang, gây phân biệt, chia rẽ, ghen tỵ, đố kỵ, tỵ hiềm, chấp ta ngã mạn, chia phe lập nhóm, đấu đá lẫn nhau, khiến các con vấp ngã trở ngại con đường về và gây trở ngại cơ “Hòa Quy” của thiên địa!
Bủa vây bởi bao biến động, kẻ hiểu biết lo trụ tâm định tánh, quán chiếu mọi điều…thì ra, chỉ là cái bóng ảo ảnh, là những màn gây rối huyễn hoặc, là đòn phép hiểm hóc, là bẫy rập của con Ma khảo thí gieo rắc loạn tâm, gây bao biến thế theo đề thi “Hòa Quy” của ngươn cơ lần nầy, mà Cha đã cảnh báo, nhắc nhở ở câu vấn đáp 63, hay rải rác trong một số bài huấn từ trước khi Cha ra đi quy ẩn.
Thôi thì hôm nay, nhân nói qua về sự hình thành quyển kinh, Cha cũng có đôi lời nhắn nhủ: Phúc đức thay cho con nào xem kinh, nếu cảm nhận là sáng suốt minh triết, thì hãy thật sống với minh triết đó, tích cực thật tâm tu thân, sửa mình, để vượt qua cơn khảo thí và được tuyển chọn vào chu kỳ Thánh Đức sắp đến! Cha ban ơn cho tất cả các con!
_____________________
Chú thích:
1) – Tài liệu vấn đáp nầy đã có từ năm 1985, dự kiến đăng bổ sung vào những ấn bản mới “Thượng Đế Giảng Chơn Lý”. Sau đó xảy ra nhiều biến cố phức tạp dập dồn trong giới đạo, và tài liệu trên tạm gác lại đến nay. Giờ đây, ấn bản lần nầy có duyên đăng lại một tư liệu vẫn còn giá trị hữu ích phục vụ mọi ý hướng tham khảo.
2) – Chơn kinh gồm hai phần: Phần 1: 63 câu vấn đáp giải thích chơn lý. Phần 2: Những bài thuyết giảng được sắp theo thứ tự thời gian từ năm 1977 đến 1984. Ấn bản nầy có bổ sung thêm bài giảng năm 1991 và lời nhắn nhủ năm 2005.
Lưu ý:
Ấn bản chơn kinh nầy (2006) đã được chính Kim Thân Cha duyệt lại và chứng nhận như bản gốc. Đạo tâm các nơi, nếu có nhã ý ấn tống phổ biến, yêu cầu phải tôn trọng nguyên bản.
Mọi cải sửa sai lạc bản gốc đều bị xem là “Th ấ t B ả n” , không đúng chơn kinh “THƯỢNG ĐẾ GIẢNG CHƠN LÝ” rao giảng bởi Kim Thân Cha (ví dụ: như bản in sai TĐGCL năm 2002 chẳng hạn, bị chen lộn những tài liệu không đúng của Kim Thân Cha giảng, v.v…)
Huấn Từ
của
KIM THÂN CHA
khi tiếp
Bạn Đạo Cần Thơ và Trà Vinh (1978)
Cha ban ơn cho tất cả các con đã không ngại đường xá xa xôi đến đây đảnh lễ Cha. Hôm nay, Cha đã có ý bế cửa và đó là nỗi đau xót thật sự của Cha. Vì được con cái quây quần kề cận đông đúc tới lui thật là niềm vui sướng lớn lao cho Cha. Nhưng con ơi! Chưa phải lúc, chưa tiện buổi để gặp con, nên thôi, Cha phải đành gạt lệ mà bế cửa.
Các con ơi! Cha đến với trần gian rồi đây! Cha đến bằng phân thân điển quang, mượn xác tứ đại để đến với chúng con hầu chúng con có thể hình dung ra Thượng Đế. Vì Thượng Đế là một cái gì quá lớn lao vĩ đại mà trí phàm các con không sao hình dung nổi. Đã không hình dung nổi thì phải thấy quá xa xôi, thấy khó thương, khó nhớ!
Thế nên Cha mượn thân tứ đại để xuống đây nhắc nhở các con, để gợi thương gợi nhớ nơi chúng con hình ảnh sầu thương héo hắt của ông Cha thật đang vò võ tháng ngày trông đợi buổi hồi nguyên đoàn tụ của các con.
Con ơi! Ông cha dưới trần của các con chỉ là ông cha giả tạm của một kiếp sống phù du đó thôi! Ông Cha này chỉ chăm lo cho các con nhiều lắm là vài chục niên của đời người, cũng không thể quá trăm năm. Thế mà, một đứa con có tâm hồn nào cũng phải thấy ân cao nghĩa dày như núi Thái Sơn,
như bể bao la, làm chĩu nặng tâm tư kẻ làm con đối với bậc sinh thành dưỡng dục, huống chi là đối với Thượng Đế!
Vì Thượng Đế mới là Ông Cha thật các con đó! Con ơi! Nào con có biết, Ông Cha thật của con nhọc nhằn khổ cực dường bao để săn sóc chúng con từng đứa một, từ lúc con tách Đại Hồn xuống thế học hỏi, trải qua kiếp này sang kiếp khác, cho đến ngày con phản bổn quy nguyên.
Khi con còn ở cõi hữu vi, thì chăm sóc con theo cõi hữu vi, lúc bỏ xác thân sang cõi vô hình thì lại chăm lo cho con ở cõi vô hình, và cứ miệt mài khổ cực như vậy đối với chúng con, cho tới khi các con hoàn tất cuộc hành hương về chốn cũ mới thôi!
Nhọc nhằn, khổ cực, vất vả dường bao để trưởng dưỡng chúng con mà nào con có rõ? Tình nghĩa của Cha mẹ Trời đối với chúng con thật vô lượng vô biên nhưng rồi được mấy đứa nhớ tới đó con? Có giọt lệ nào tuôn chảy qua mi vì nỗi niềm cảm xúc nhớ thương Nguồn Cội không con?
Than ôi! Những rung động tinh khiết hướng thượng này Cha thấy chẳng bao nhiêu, Cha chỉ thấy toàn là nước mắt khóc than từ những đau khổ của kiếp người, từ sự không vừa ý của cuộc sống ngụp lặn nặng nề ở cõi trần ai. Những giọt lệ phát xuất từ sự thiếu toại chí dục vọng phàm ngã... thì ôi thôi ngập tràn lênh láng, chôn lấp cả mảnh linh hồn các con đắm đuối trong ngu muội vô minh!
Con ơi! Con có rõ, Đại Hồn Cha cô đơn lạnh lẽo, khao khát biết bao nhiêu những rung động tưởng nhớ của tiểu hồn con!
Khao khát mong đợi bao nhiêu sự thức tỉnh để kịp quay về của linh hồn chúng con!
Giờ đây, ngươn này là ngươn chót, màn này là màn ba, kiếp này là mạt kiếp, ngày giờ đã cấp bách lắm rồi, vậy mà những tiểu hồn của Cha mãi còn vui say trong giấc cô miên, mãi lo, đấu tranh ngụp lặn trong bể trần ai, mãi còn gieo bao nghiệp lực và để nghiệp lực cuốn trôi đi biền biệt, càng lúc càng xa nguồn cội, mà chẳng chịu giựt mình chợt tỉnh lo cho số phận linh hồn con để quay về kịp lúc.
Con ơi! Cha kêu gọi ngày đêm, bằng khuyên nhủ, bằng quở rầy, bằng răn phạt, bằng tha thiết van lơn con mau kịp xuống đò về quê xưa chốn cũ. Âm thinh thổn thức cùng những giọt lệ thảm sầu nức nở của Đại Hồn vẫn chẳng làm rung động tim con...
Thôi thì hết cách rồi nghe con! Trống Long Hoa giục giã chuông Bạch Ngọc đã khua vang. Thuyền Bát Nhã rước linh căn đang từ từ tách bến. Con nào cứ để mình cuốn trôi vào đường trần vạn nẻo, mãi cứ thờ ơ với con đường quy thống mà chẳng chịu xuống đò vượt Bĩ Ngạn hồi nguyên thì chớ khá trách Cha nghe con, linh hồn con rồi bị cô đọng, vùi lấp đắm chìm qua bảy ức niên thăm thẳm, mất hết linh tánh thì thôi, Đại
Hồn Cha cũng đành gạt lệ tống biệt linh hồn con vào một cuộc chia ly vĩnh cửu nghe con!
Thôi thì nhắc nhở linh hồn chúng con chút tưởng nhớ tới Cha, các con về rán lo tu tiến. Cha vừa khơi dậy trong chúng con ánh lửa thiêng mà mỗi con đều có sẵn. Cha đã khơi cho sáng lên thì chúng con phải giữ cho nó sáng mãi đừng để nó lụn tàn theo năm tháng nghe con! Cha giã từ các con và ban ơn cho tất cả.
Huấn Từ
của
KIM THÂN CHA
dịp
Bạn Đạo
Cần Thơ và Trà Vinh Chào Từ Biệt (1978)
Trước khi các con lên đường, Cha thấy cần có vài lời nhắn nhủ với các con trong cơ cấp bách này. Các con ơi! Trần gian đang trải qua cơn đại khổ do khối trược sát phạt nhơn loại. Trược khí ngất trời đang bủa vây các con và cõi hồng trần đang ngập tràn trong bóng tối hỗn loạn. Vì định luật vận hành của vũ trụ, đến lúc mà Cha không thể ban rải nhiều ánh sáng để cho bóng đêm có cơ hội tràn lan.
Do đó mà các con phải tự lo thắp đèn tâm cho sáng và lo tu gấp rút để tự rọi đường cho mình vượt qua những chặng đầy gian khổ thử thách do bóng tối hoành hành. Lo làm mình sáng rồi còn phải lo cho người sáng. Độ ta rồi độ tha. Đây là lúc mỗi con phải ý thức vai trò làm “chiến sĩ” cho Thượng Đế để cứu khổ chúng sanh.
Các con đều là những sĩ tử đang mang ý nguyện tu học để thoát vòng tứ khổ thì, hỡi các con, đang khi cảnh khổ diễn bày, kẻ gọi rằng người tu phải mở rộng lòng từ, dẹp đi vị kỷ, phát tâm cứu độ chúng sanh trong cơn điêu linh thống khổ để gieo nhơn lành, lập công bồi đức, vừa trả bớt nợ trần, giải bớt gai gốc nghiệp chướng trên đường hành hương của mình, vừa vun bồi thêm đức độ để làm hành trang tiến bước.
Dân rồi đây sẽ phải chết chóc nhiều vì chịu ảnh hưởng nghiệp sát. Rồi những cảnh đói không cơm ăn, đau không thuốc uống, cảnh binh đao chết chóc hỗn loạn đảo điên sẽ diễn bày để khảo đảo trần gian trong cơn cộng nghiệp. Trong cơn khổ nạn này, các con phải làm gì? Đây là cẩm nang cấp cứu mà các con phải rán thực hành bằng mọi giá để vượt qua cơn thử thách sắp đến:
THỨ I: Phải cấp bách ăn chay trường để giải bớt nghiệp sát vì cơ chết chóc sẽ rất lớn. Con ơi! Đừng sát sinh hại vật thêm nữa, lo mà lập hạnh phóng sanh bằng cách ăn chay để tạo chút phước đức sanh tồn.
Vả chăng, màn này trược khí dẫy đầy, các con đều vốn dĩ bị nhiễm trược vì những loạn cảnh bên ngoài thì rồi phải lo tống bớt trược đi chớ đừng rước trược vào thêm bằng cách đem trược điển của thú vật vào bản thể.
Cha cho rõ, màn nầy độc khí trong cá thịt, trong các thức ăn động vật rất nhiều, nếu các con đem chúng vào bản thể thì rồi có lúc các con sẽ bị khảo đảo rất dữ vì trược khí, vì độc khí, vì nghiệp sát.
Vậy các con nào chưa ăn chay thì phải gấp rút lo ăn, con nào ăn rồi thì phải rán giữ hạnh trường chay. Cha cũng hiểu có những con chưa quen cách ăn thanh đạm nên thấy khó ăn, nhưng con ơi, đây không còn là lúc mà các con giữ tinh thần chấp nê ngon dở. Cảnh đại khổ đang và sắp diễn bày.
Đây thực không phải lúc để ăn cho thích khẩu, mà các con phải lo ăn để sống qua ngày. Hãy tập cơ thể quen với những nhu cầu đạm bạc, đơn giản để nó đỡ khảo đảo và đòi hỏi chúng con trong cơn đói khổ. Giảm bớt nhu cầu cũng là một cách làm cho mình bớt khổ đó thôi.
THỨ II : Phải nhớ trụ điển lại tức là trụ tâm, trụ ý hay là trụ tư tưởng của con cũng vậy. Thường thì tư tưởng các con rất dễ bị phân tán vì những loạn động ngoại cảnh. Bên ngoài hỗn loạn đảo điên khiến chúng con rất dễ bị xao xuyến, hoang mang, buồn rầu, lo âu, phiền não, cho nên Cha khuyên các con một cách để trụ tư tưởng lại hầu nó đỡ tán loạn.
Đó là cách trì mật niệm danh hiệu Cha, tức: “Nam Mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn”, chưa quen niệm danh Cha thì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” cũng được.
Các con phải nhớ suốt ngày đêm trì niệm trong tâm, tưởng trên đầu để tư tưởng nhờ trụ vào câu niệm mà đỡ tán loạn vì những động cảnh bên ngoài.
Màn này con nào ổn định được nội tâm trụ được tư tưởng thì sẽ giữ được điển, nhờ giữ được điển mà đỡ bị nhiễm trược, do đó tự hóa giải bớt nhiều khổ nạn do khối trược kéo tới khảo đảo.
THỨ III: Ngoài ra con nào biết thiền định thì phải siêng thiền hơn. Có thì giờ rảnh nhớ hành Pháp Luân Thường Chuyển (Pháp thở bụng) càng nhiều càng tốt trong ngày để giải bớt trược điển ô nhiễm.
Màn này trược khí rất dày nên các con thiền gặp khó khăn hơn trước. Vậy nên không thể giữ đà như trước mà phải cố gắng bội phần mới giữ được điển và giải bớt trược cho bản thể các con. Cha vừa khuyên các con nhiều điều cần thiết và cấp bách để cấp cứu các con trong cơn khổ nạn này. Những điều nêu trên để chúng con thực hành không ngoài mục đích giúp chúng con bớt trược.
Ăn chay trường cũng để bớt trược, trì mật niệm để trụ điển, nhờ đó mà các con cũng đỡ nhiễm trược, siêng hành thiền để các con trụ tâm, do vậy cũng để đỡ nhiễm trược đó thôi. Con có đỡ trược thì con mới đỡ khổ, vì con nào trược nhiều chừng nào phải khổ nhiều chừng ấy!
Trần gian sở dĩ đang điêu linh thống khổ vì quá nhiều trược khí do những sái quấy của con người tạo ra, và khối trược ngất trời này đang hoành hành để sát phạt lại theo đúng nghiệp lực của nhơn loại. Cho nên biết giữ cho mình ít trược tức là tự giữ cho mình ít khổ đó thôi.
Nếu chúng con thực hành được rốt ráo những gì Cha khuyên nhủ trên đây (ít nhứt điều I và điều thứ II) ắt chúng con mới hy vọng vượt qua cơn thử thách lớn này. Thôi Cha ban ơn cho tất cả các con, nhớ ghi trong lòng những gì Cha nhắn nhủ.
Kim Thân Cha
Cha giã từ tất cả các con.
(Nguồn Kinh sách vovi)
Kho sách nói: Pháp lý vô vi khoa học huyền bí phật pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét